Bể cá cảnh có vai trò như thế nào trong phong thủy không gian nội thất và cách đặt bể cá cảnh đúng hướng đúng cách theo phong thủy là như thế nào.
Quan niệm về sinh khí trong phong thủy.
Phong thuỷ là học thuật về cảnh quan môi trường sống của người xưa dựa trên quan niệm về sinh khí. Theo đó, vạn vật đều sinh ra từ khí; khí gặp gió thì tan, gặp nước thì dừng; sinh khí được bảo toàn trong môi trường “tàng phong, đắc thuỷ”. Thuật phong thuỷ coi “đắc thuỷ” quan trọng hơn “tàng phong”; khí và thuỷ có quan hệ rất mật thiết với nhau; nước đến đâu thì khí theo đến đó, nơi nào có nước thì nơi đó có khí; vì vậy mà rất nhiều khu dân cư cổ xưa đều đòi hỏi phía trước nhà phải có nước; nếu không có thì phải đào ao, hồ để trữ nước với mục đích bảo tồn “chân khí”. Hầu hết các thành phố lớn trên thế giới đều được xây dựng bên các con sông hay là cảng biển. Điều này cho thấy vị trí của nước quan trọng như thế nào trong quan niệm và đời sống của con người xưa nay.
Thời hiện đại, khi mà hầu hết dân cư phải sống chen chúc trong các không gian chật hẹp, tù túng ở đô thị thì hồ cá cảnh chính là hình ảnh thu nhỏ hay vật thay thế cho ao, hồ. Người ta thường đặt hồ cá gần lối đi, phòng khách hay ở những vị trí trang trọng trong nhà với mục đích cải thiện môi trường cảnh quan và làm tăng sinh khí cho những nơi đó. Chất lượng nước và cảnh quan bố trí trong hồ được hết sức chú trọng; nước đục hay cảnh quan trơ trọi sẽ làm giảm tác dụng phong thuỷ của hồ cá nếu không nói là có hại vì phát sinh “tà khí”.
Vị trí đặt hồ cá cảnh:
Thuật phong thuỷ được nâng lên một mức độ cao hơn khi hình thành khái niệm về phương vị; nó xuất phát từ việc kết hợp ngũ hành với cửu cung bát quái. Mỗi phương vị hay cung bây giờ đều mang một ý nghĩa và được gán cho một hành cùng với hình dạng và màu sắc tương ứng. Cung thường được sử dụng để đặt hồ cá là cung Tốn, tức cung Tài Lộc, ở hướng Đông Nam; cung này thuộc hành Mộc; hồ cá thuộc hành Thuỷ; mà Thuỷ dưỡng Mộc theo nguyên lý ngũ hành tương sinh; đặt hồ cá ở đây để làm vượng cung này và nhờ đó gia chủ sẽ được phát tài! Hồ cá hay hòn non bộ đặt ngoài vườn thường nằm về bên trái của cửa chính cũng không nằm ngoài ý này.
Được biết, nhà ở của cư dân thưở xưa thường được xây dựng theo hướng “toạ Bắc triều Nam”, do đó phía bên trái chính là hướng Đông Nam. Đây là hướng tốt nhất dựa trên đặc điểm khí hậu gió mùa tại các nước nằm ở Bắc bán cầu. Một số hướng tốt khác để đặt hồ cá là hướng Bắc tức cung Quan Lộc tượng trưng cho sự nghiệp. Những ai mong muốn sự nghiệp được thăng tiến, hãy đặt hồ cá ở hướng này. Hồ cá sẽ bổ sung năng lượng và giúp họ có nhiều ưu thế cạnh tranh so với đồng nghiệp. Hướng Đông tức cung Gia Đạo tượng trưng cho hạnh phúc gia đình cũng là hướng tốt.
Nhiều trường phái khác nhau ra đời cùng với sự phát triển và phổ biến của thuật phong thuỷ. Mỗi trường phái đều có quan niệm và phương pháp lý luận riêng. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu hai trường phái phổ biến hiện nay là Du Niên Bát Trạch và Huyền Không Phi Tinh cùng cách ứng dụng chúng vào việc xác định vị trí đặt hồ cá.
Du Niên Bát Trạch
Trường phái này kết hợp phương vị với tính mệnh của trạch chủ, tức chủ nhà; theo đó hướng tốt hay xấu đối với một người là tuỳ vào tính mệnh của người đó. Trước tiên phải tính toán mệnh quái hay quái số; cách tính toán quái số khá phức tạp nên không bàn ở đây; muốn biết thì chỉ cần tra bảng đã tính sẵn như ở dưới. Nếu trong nhà có nhiều người sinh sống thì quái số được tính cho người có vai trò trụ cột chẳng hạn như người chồng, người cha mà sự thành công hay thất bại trong sự nghiệp của người này sẽ ảnh hưởng đến tất cả các thành viên khác trong gia đình.
Quái số được chia làm hai nhóm là Đông tứ trạch gồm 1, 3, 4, 9 và Tây tứ trạch gồm 2, 6, 7 và 8. Mỗi quái số đều bao hàm các hướng “cát”, “hung”; trong đó, các hướng Sinh Khí và Diên Niên là các hướng “thượng cát”, hướng Thiên Y là hướng “trung cát” và hướng Phục Vị là hướng “tiểu cát”. Sau khi có được quái số, tiếp tục tra bảng dưới đây để xác định các hướng “cát” tương ứng với nó:
Hồ cá nên được đặt theo hướng “thượng cát” của trạch chủ để gia tăng sinh khí cho nó. Phương pháp này được áp dụng phổ biến trong xây dựng cho nên cửa chính cũng thường là hướng thượng cát của chủ nhà, vì vậy hình ảnh hồ cá được đặt phía trước nhà hay ở phòng khách cũng không phải là điều hiếm gặp.
Huyền Không Phi Tinh
Một cách tính phương vị khác là phương pháp của phái Huyền Không Phi Tinh; theo đó, mỗi ngôi nhà được lập quẻ dựa trên thời vận tức thời điểm toà nhà được xây dựng, cửu cung và vận động của cửu tinh. Thời vận có ảnh hưởng mạnh nhất đến khí số của con người là tiểu vận tức mỗi 20 năm; mỗi tiểu vận lại ứng với một tinh trong cửu tinh bao gồm Nhất bạch Thuỷ, Nhị hắc Thổ, Tam bích Mộc, Tứ lục Mộc, Ngũ hoàng Thổ, Lục Bạch Kim, Thất xích Kim, Bát bạch Thổ và Cửu tử Hoả; chẳng hạn, thời vận hiện tại là tiểu vận 8 (2004-2023) ứng với Bát bạch Thổ tinh. Trong vận này, Bát bạch Thổ tinh nhập vào trung tâm của cửu cung còn các tinh khác nằm ở các cung tương ứng với quy luật vận động của cửu cung; chúng tác động lên khí trường của ngôi nhà tại phương vị tương ứng của cửu cung; từ đó ảnh hưởng trực tiếp lên khí số của những người sống trong đó. Dựa trên các quẻ được lập người ta có thể chọn ra hướng tốt nhất để xây nhà, bổ cứu thiếu sót và dự đoán được phương vị cát, hung. Cách tính quẻ dựa trên các bước như sau:
Bước 1: giả sử nhà được xây dựng trong vận 7 thì số 7 được đặt vào trung tâm, các số khác được đặt vào các ô còn lại theo quy luật vận động của cửu cung.
Bước 2: xác định hướng cho toà nhà; nó không nhất thiết là cửa ra vào mà có thể là phía cửa sổ nhìn ra biển, vùng trũng, ao hồ, vùng trống như bãi đậu xe hoặc xa lộ nơi xe cộ qua lại; ngược lại với hướng là sơn. Hai yếu tố này nằm ở ngay phía trên vận ở mỗi cung. Giả sử toà nhà hướng về phía Nam thì vận ở các cung hướng Nam (hướng) và hướng Bắc (sơn) sẽ di chuyển vào các vị trí hướng và sơn tương ứng ở cung trung tâm.
Bước 3: mỗi hướng lại chia làm 3 phần Thiên, Địa và Nhân. Dùng la bàn để xác định xem hướng nằm ở phần nào theo bảng sau:
Kế đó, dựa trên tính chẵn lẻ của sơn và hướng ở trung tâm, tra tiếp bảng sau để biết quy luật vận động của sơn và hướng là thuận hay nghịch theo quy luật vận động của cửu cung. Trường hợp đặc biệt khi sơn hay hướng có giá trị là 5, người ta sẽ dựa vào vận để xác định tính chẵn lẻ.
Giả sử nhà ở hướng Nam-Địa và thì khi tra bảng sơn (số 3) sẽ vận động theo hướng thuận, còn hướng (số 2) sẽ vận động theo hướng nghịch.
Bước 4: đánh giá quẻ được lập dựa trên hướng chuyển động của sơn và hướng. Trường hợp tốt nhất là “nghịch sơn, nghịch hướng” tức “vượng sơn, vượng hướng”, không cần phải bổ cứu gì cả. Trường hợp thứ hai là “thuận sơn, nghịch hướng” tức “thượng sơn, hạ thuỷ” thì bên hướng nhất định phải có nước. Trường hợp thứ ba là “nghịch sơn, thuận hướng” thì bên sơn nhất định phải có núi. Trường hợp thứ tư là “thuận sơn, thuận hướng” tức “song tinh đáo hướng” thì bên hướng nhất định phải có nước, bên sơn nhất định phải có núi. Núi có thể được bổ cứu bằng cách trồng cây cao còn nước được bổ cứu bằng cách đặt hồ cá cảnh hay đào ao… Chẳng hạn, dựa theo quẻ vừa tính được, chúng ta thấy hướng tinh là loại “thuận sơn, nghịch hướng” do đó hướng Nam-Địa phải có nước, nếu không có thì phải đào ao hay đặt hồ cá cảnh để bổ cứu.
Thế thuận sơn nghịch hướng thì bên hướng nhất định phải có nước.
Ứng dụng Âm Dương – Ngũ hành
Như đã biết, hồ cá thuộc về hành Thuỷ có thể được sử dụng để hỗ trợ hay làm suy giảm tác dụng của một hành nào đó. Theo nguyên lý ngũ hành tương khắc, Thổ khắc Thuỷ, Thuỷ khắc Hoả; như vậy nếu đặt hồ cá trong phòng của người có mệnh Thổ thì không có vấn đề gì nhưng nếu là người mệnh Hoả thì đó có thể là nguyên nhân làm cho người đó bị đau bệnh. Như vậy, hồ cá nhìn chung không thích hợp đối với những người mệnh Hoả, nhưng nếu là người mệnh Hoả quá vượng thì lại khác, hồ cá có tác dụng hạn chế bớt hành Hoả và giúp cho người đó thăng bằng hơn. Mặt khác, theo nguyên lý ngũ hành tương sinh, Kim sinh Thuỷ, Thuỷ sinh Mộc; như vậy hồ cá rất phù hợp với người có mệnh Mộc còn với người có mệnh Kim mà không quá vượng thì phải cẩn thận. Để biết được mệnh của một người có vượng hay không, người ta lập bảng Tứ Trụ bao gồm bốn yếu tố ngày, tháng, năm và giờ sinh kết hợp với can, chi. Nếu một hành xuất hiện quá nhiều trong bảng tính thì chứng tỏ người đó vượng về hành ấy.
Tương tự, khi đặt hồ cá ở hướng Đông Nam người ta đã lưu ý đến một đặc điểm rằng hướng này thuộc về hành Mộc và nếu đặt hồ cá ở đó thì hành Thuỷ của hồ cá càng làm hành Mộc vượng hơn, từ đó chủ nhà sẽ được phát tài vì hướng này là hướng tài lộc. Một số ví dụ khác về Thuỷ khắc Hoả, chẳng hạn trường hợp có một ngọn đèn đường chiếu thẳng vào nhà, người ta có thể đặt hồ cá ở hướng đối diện để triệt bớt hành Hoả của ánh đèn, như vậy môi trường sẽ được hài hoà hơn. Rồi hồ cá cũng được khuyên là nên bố trí trong bếp để đề phòng hoả hoạn…
Theo một lý luận khác dựa trên Hà Đồ, sơ đồ thể hiện quan niệm về vũ trụ của người Trung Hoa cổ, theo đó 1 dương và 6 âm nằm ở phương Bắc thuộc hành Thuỷ, 2 âm và 7 dương nằm ở phương Nam thuộc hành Hoả, 3 dương và 8 âm nằm ở phương Đông thuộc hành Mộc, 4 âm và 9 dương nằm ở phương Tây thuộc hành Kim, 5 dương và 10 âm nằm ở Trung tâm thuộc hành Thổ. Số lượng cá được nuôi sẽ quyết định hồ thuộc hành nào chứ không phải là hồ luôn có hành Thuỷ như đã biết; chẳng hạn hồ nuôi 5 hay 10 con cá sẽ có hành Thổ. Kiểu suy luận này có vẻ không được hợp lý nên không mấy phổ biến lắm.
Cũng từ cách bố trí số theo Hà Đồ mà các số lẻ có thuộc tính Dương còn các số chẵn có thuộc tính Âm. Nước vốn có thuộc tính Âm nên số lượng cá được nuôi nên là số lẻ có thuộc tính Dương để Âm-Dương được hòa hợp, cân bằng.
Sơ đồ bát quái kết hợp với ngũ hành. Ngoài cùng là các hướng và ý nghĩa của cung. Sau đó là các hành ứng với cung cùng với tượng hình của nó. Ở giữa là các hướng cát, hung dựa theo Bát Trạch khi quẻ Khảm ở vào phương Bắc. Kế đến là các cung cùng với thuộc tính của chúng. Trong cùng là các quái số ứng với cung và vòng tròn âm, dương; khởi nguyên của bát quái đồ.
cacanh.vn