Ngoài công việc cho ăn, thay nước và chăm sóc cá hằng ngày, người nuôi cá còn phải biết cách nhận biết cá la hán bệnh, biết cách phòng và trị một số bệnh thường gặp ở cá La Hán.
Những biểu hiện đặc thù của loài cá La Hán như thay đổi màu, hay nằm dưới đáy bể… khiến những người mới nuôi chưa có kinh nghiệm lo lắng tưởng cá bị bệnh, nhưng thực chất đó là những biểu hiện bình thường của cá La Hán khỏe mạnh. Do vậy, để việc phòng và trị bệnh cho cá La Hán hiệu quả, người nuôi cá cần phải biết phân biệt những biểu hiện của cá khỏe mạnh và dấu hiệu bị bệnh của cá để có biện pháp điều trị kịp thời.
Biểu hiện của cá la hán khỏe mạnh
Màu sắc luôn sặc sỡ, Cơ thể khồng bị tổn thương, không có vết xước, hay dị tật bất thường, Cá không ở gần bề mặt nước, và không hớp nước liên tục.
Các vây và đuôi luôn xòe ra, Hứng thú khi được cho ăn; Thích vui đùa, và luôn phản ứng lại các tác động bên ngoài .
Cơ thể không tiết ra quá nhiều chất nhờn; Thỉnh thoảng cá trở nên sẩm màu và có những sọc đen, sau đó trở lại bình thường.
Cá hay nằm dưới đáy hồ và không kèm theo bất kỳ triệu chứng bệnh nào. Thỉnh thoảng cá bơi ngửa bụng, bơi nghiêng hay bơi thụt lùi. Đây là những hành vi bình thường của loài La Hán được thừa hưởng từ tổ tiên của chúng.
Những dấu hiệu, cách nhận biết cá la hán bị bệnh:
Một công việc rất quan trọng đối với người nuôi cá La Hán là nhận biết cá bị bệnh và điều trị bệnh. Khi phát hiện cá mới bắt đầu bị bệnh thì khả năng trị dứt bệnh sẽ cao. Thông thường khi phát hiện cá bị bệnh thì bệnh đã nặng nên khả năng điều trì khỏi bệnh là rất thấp. Do vậy, phải thường xuyên chăm sóc, theo dõi biểu hiện của cá hằng ngày. Khi thấy cá có biểu hiện khác thường phải kiểm tra ngay để xác định bệnh và điều trị đúng thuốc.
Những dấu hiệu của cá la hán bị bệnh
Màu sắc nhợt nhạt, có những sọc đen trên mình, bơi lội lờ đờ chậm chạp: Đây là triệu chứng đầu tiên của tất cả các loại bệnh.
Cọ xát thân mình liên tục vào các vật trong bể hoặc thành bể: Đây là dấu hiệu cho thấy cá bị một loại ký sinh trùng nào đó tấn công làm cá ngứa ngáy.
Cá ngáp nước liên tục: Nguyên nhân dẫn đến triệu chứng này thường là do môi trường nước bị ô nhiễm nặng. Gặp trường hợp này phải thay nước ngay nếu không cá sẽ chết.
Các bộ phận vây co lại: Đây cũng là dấu hiệu đầu tiên của cá bị bệnh.
Biếng ăn: Cá bị bệnh thường biếng ăn, hoặc ăn rất ít.
Tiết ra quá nhiều chất nhờn trên mình: Đây là triệu chứng khá phổ biến của cá bị bệnh.
Không phản ứng lại các tác động từ bên ngoài: Cá bị bệnh thường mệt mỏi, lờ đờ nên dù có những động tác chọc giận chúng cũng không phản ứng lại.
Phân cá có màu trắng và kéo dài từng sởi: Đây cũng là dấu hiệu cho thấy cá không khỏe mạnh.
Kiểm tra bệnh của cá la hán
Khi cá có một vài dấu hiệu trình bày ở trên chứng tỏ nó không được khỏe mạnh. Khi đó cần dùng kính hiển vi để kiểm tra chất nhầy trên mình, mang, và các bộ phận khác để xem cá có bị nhiễm trùng hay không.
Nếu cá thường hay cọ thân mình vào thành bể hoặc các vật trong bể thì có thể cá bị ký sinh trùng tấn công nên ngứa. Nếu tình trạng này kéo dài, cá sẽ biếng ăn dần và trở nên lờ đờ, không giữ được thăng bằng, hoặc không thể bơi lên mặt nước.
Kiểm tra cơ thể cá la hán bệnh
Cách phòng bệnh cho cá la hán
Bệnh của cá La Hán thường phát xuất từ môi trường nước, do vậy việc bảo vệ tốt môi trường nước trong bể cũng là cách phòng bệnh cho cá La Hán.
Vào mùa đông, thời tiết thay đổi đột ngột làm ảnh hưởng đến nhiệt độ nước trong bể, dễ làm cho cá bị sốc và nhiễm bệnh. Để tránh nhiệt độ trong bể chênh lệch quá nhiều so với nhiệt độ bên ngoài, cần tăng số lần thay nước và giảm lượng nước cho mỗi lần thay. Khi thay nước nên thực hiện lúc nhiệt độ bên ngoài cao, tránh lúc thời tiết quá lạnh.
Khi thời tiết thay đổi, cần phải sử dụng máy sưởi ấm trong bể để giữ nhiệt độ của nước ổn định. Đồng thời phải có hệ thống lọc nước để tạo môi trường nước luôn trong sạch.
Vào mùa lạnh nên cho cá ăn ít, và không nên cho cá ăn lúc trời gần tối, vì lúc đó trời bắt dầu lạnh, nhiệt độ nước hạ làm cho cá tiêu hóa không tốt dễ mắc bệnh đường ruột.